Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Đọc lại và suy ngẫm về Alumin



HỌC MỖI NGÀY. Anh Bùi Xuân An gửi: "Các bạn thân, có bài đọc Tương lai của Alumin (các đường link dưới), sao thấy buồn quá !". http://www.boxitvn.net/bai/44977 ; http://www.viet-studies.info/VNTien/VNTien_BauxitTanRai.htm ; Mưa xuống, đường vận chuyển bauxite nhôm Tân Rai chẳng khác ruộng cày. Ảnh: Khắc Dũng báo Lao Động. Tiếc thay chúng ta đã bỏ qua kiến nghị tiếp từ vị đại tướng của lòng dân và những lời can tâm huyết!

Thư của đại tướng Võ Nguyên Giáp
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trả lời thư kiến nghị của nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình



MỖI NGƯỜI DÂN GÁNH 10 USD NỢ CHO NHÀ MÁY AMILUM

Cầm Văn Kình| Tuổi Trẻ 06/03/2013 15:30 (GMT + 7)

TT - Trước thực tế dự án bôxit Tây Nguyên đang có nguy cơ càng sản xuất càng lỗ, TS Nguyễn Văn Ban, nguyên trưởng ban bôxit - nhôm Tổng công ty Khoáng sản VN, cho biết với tổng mức đầu tư khoảng 900 triệu USD.Tính ra mỗi người dân VN đang gánh khoảng 10 USD nợ cho nhà máy alumin. (TS Nguyễn Văn Ban trả lời phỏng vấn. Ảnh và bài báo Tuổi Trẻ)

Tin bài liên quan

Khai thác bôxit: Đang rủi ro (05/03)
Dự án bôxít Tân Rai có rủi ro lớn (04/03)
Dự án bôxít Tây Nguyên: có thể xem xét điều chỉnh, nếu cần (28/02)
Cần tính kỹ hiệu quả dự án bôxit (26/02)
Giá 6 tấn bôxit bằng 1 tấn cà phê! (23/02)

Ông Ban nói:

- Khi đi nghiên cứu bôxit Tây nguyên, chúng tôi chỉ đề xuất xây dựng nhà máy alumin công suất 30.000 tấn/năm, nhà máy điện phân nhôm 72.600 tấn/năm. Ngày đó, xây dựng nhà máy này khoảng 200 triệu USD. Chúng tôi cũng tính nhà máy sẽ dùng điện Nhà máy thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi. Nếu làm nhà máy như thế thì đến nay có lẽ đã khấu hao xong. Nhưng nhà máy không được xây như đề xuất. Sau này Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) tiếp quản Tổng công ty Khoáng sản và đề xuất hai dự án công suất 650.000 tấn như hiện nay.

Ngay thời đó, chúng tôi đã cảnh báo khả năng lỗ. Tiếc rằng nhà máy vẫn được xây và đến nay tình hình đúng như cảnh báo.

Lỗ không chỉ vì khách quan

"Tôi từng phụ trách dự án bôxit - nhôm nên tôi biết khai thác bôxit ở Tân Rai không chiếm nhiều đất trồng cà phê, mà chủ yếu là rừng. Tất nhiên khi đắp đập làm hồ bùn đỏ thì nước dâng lên, khiến mất một số diện tích cà phê, chè. Với những vùng trồng cà phê thì 250 triệu đồng khó có thể đền bù được cho 1ha"

TS Nguyễn Văn Ban

* Thưa ông, Bộ Công thương đã cho biết giá thành sản xuất alumin tháng 12-2012 là 333 USD/tấn, giá bán khoảng 326,5 USD/tấn. Nguyên nhân được cho rằng do suy thoái kinh tế thế giới...

- Chúng tôi cũng đã nêu vấn đề rủi ro lớn như thế. Năm 2009, giá thành alumin chỉ 223 USD, giá bán là 362 USD/tấn mà chúng tôi tính nhà máy Tân Rai, Nhân Cơ là đã có chịu rủi ro rồi. Nay giá thành lên 333 USD/tấn, bán chỉ 326,5 USD/tấn thì rủi ro đúng là vô cùng lớn.

Và thực tế là lỗ rồi chứ không chỉ là rủi ro, nguy cơ nữa. Còn nguyên nhân, đúng là có lý do suy thoái kinh tế thế giới, nhu cầu và giá alumin giảm. Nhưng từ năm 2009, khi hội thảo, bản thân tôi cảnh báo khủng hoảng kinh tế có thể còn kéo dài, ảnh hưởng đến tính hiệu quả của dự án.

Tôi nghĩ chuyện bị lỗ không chỉ do nguyên nhân khách quan, chậm tiến độ hai năm khiến tăng 30% chi phí tổng đầu tư dự án, riêng tiền lãi vay hai nhà máy cũng đã tăng cả trăm triệu USD. Việc chậm tiến độ, tăng chi phí cũng là nguyên nhân khiến tăng giá thành, giảm hiệu quả dự án. Lỗ còn do dùng công nghệ Trung Quốc nên tỉ lệ thu hồi alumin trên quặng chỉ khoảng 85%, các hãng tiên tiến có thể đạt 87%. Thứ nữa, tiêu hao năng lượng cho một đơn vị sản phẩm của dự án cũng cao hơn so với chỉ tiêu của các hãng tiên tiến...

* Trước đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang trả lời báo chí cho rằng không thể nói dự án không hiệu quả và còn nói rất nhiều nước muốn mua bôxit của VN, có thể còn phải đấu giá...

- Phải nói chúng tôi khuyến cáo trên cơ sở giá bán, giá thành do chính TKV cung cấp chứ không phải tự nghĩ ra. Ông Quang nói thời điểm ấy trên cơ sở lạc quan, nhưng thực tế đến nay chứng minh alumin không phải dễ bán như vậy. Có thể thời điểm đó suy giảm chưa mạnh, dù đã có cảnh báo về tình hình kinh tế thế giới. Tôi cho rằng nếu là tư nhân đầu tư, họ sẽ không tính như thế. Tiền của tư nhân, họ phải tính chắc chắn khả năng sinh lời. Nếu có rủi ro thì họ phải tính vào, dù là rủi ro rất nhỏ, chứ để đến khi có khó khăn ập đến thì họ chết.

* Vụ Công nghiệp nặng thông báo tin mừng là có thể thu hồi sắt từ bùn đỏ phế thải. Điều này sẽ giúp có thêm nguồn thu và dự án alumin sẽ hiệu quả hơn?

- Được như thế thì rất mừng. Thực tế là có hãng của Mỹ vào chào hàng công nghệ xử lý. Nguyên tắc là bùn đỏ có kiềm, phải thu hồi nó mới chế biến được các sản phẩm khác. Chưa rõ dự án bôxit ở ta sẽ làm thế nào. Còn trên thế giới, xử lý rồi biến bùn đỏ thành vật liệu xây dựng, thành phôi sắt... về mặt công nghệ họ làm được nhưng chưa thấy đâu làm đại trà, vì hiệu quả kinh tế không cao, sản phẩm khó bán do rất đắt.

Không thể để dân thiệt

* Muốn dự án hiệu quả, TKV đề nghị giảm thuế tài nguyên, phí môi trường từ 30.000 đồng/tấn xuống chỉ còn 5.000 đồng/tấn. Nhà nước đang bị đặt vào tình thế buộc phải “hi sinh” cho TKV?

- Phí môi trường mà giảm đi thì vấn đề xử lý môi trường sẽ gặp khó. Để cứu dự án đúng là phải cứu bằng chính sách, dễ nhất là giảm thuế, phí. Tôi nghĩ dư luận xã hội khó đồng tình với chuyện này, bởi trước đó dư luận đã cảnh báo rồi nhưng chủ đầu tư kiên quyết không nghe. Tất nhiên, TKV là doanh nghiệp nhà nước, nhà máy alumin họ đầu tư rồi, giờ là tài sản của đất nước. Cả tỉ USD để đó, giờ không cứu thì cũng rất xót xa, thậm chí không được.

Theo tôi, để cứu dự án này cần bài toán tổng thể. Đầu tiên TKV phải tìm giải pháp giảm chi phí quản lý, tổ chức sản xuất. Rồi nếu đến bước cuối cùng, càng sản xuất mà càng thiệt hại lớn, không còn cách nào khác thì phải đóng cửa. Đó là điều đau xót, nhất là khi điều đau xót đó lại được cảnh báo lâu rồi.

* Trong các giải pháp tăng hiệu quả cho dự án cũng có đề xuất đánh vào người dân. TKV nói chỉ trưng dụng đất 2-3 năm, nên cần giảm tiền giải phóng mặt bằng cho dân từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng/ha xuống 250 triệu đồng/ha. Tư duy của TKV có đúng?

- Đúng là khai thác bôxit chỉ cần trưng dụng đất khoảng ba năm. Sau đó có thể hoàn thổ, trả lại đất cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên thực tế qua dự án của Công ty Hóa chất cơ bản miền Nam ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) cho thấy sau khi họ khai thác quặng, hoàn thổ rồi người dân chỉ trồng được cây keo chứ trồng chè, cà phê thì chất lượng kém. Nên đền bù mức nào tôi cho rằng cần cân nhắc rất kỹ. Quan điểm của tôi là không thể để người dân phải gánh chịu những thiệt hại từ dự án.

* Nếu đây không phải là dự án của doanh nghiệp nhà nước, với tư cách một công dân bình thường, theo ông, có nên chấp nhận những đề xuất của TKV?

- Nói đúng thì chủ đầu tư phải chịu vì anh tự đánh giá, tự thẩm định. Nhưng TKV là doanh nghiệp nhà nước. Và thực tế mình là công dân VN, tiền bỏ ra làm nhà máy alumin là tiền của mình. Nếu tính theo đầu người thì mỗi người dân, kể cả người nghèo, người miền núi đang phải chịu chi phí và nợ khoảng 10 USD cho dự án alumin. Nên giờ phải quyết định làm sao cho thiệt hại ít nhất. Cần hi vọng rằng khả năng giá alumin tăng là có, nhà máy mới chạy thử, giá thành có thể giảm.

* Dự án alumin đang rủi ro như thế, yêu cầu công khai minh bạch cần phải được coi là điều kiện bắt buộc? Công khai về dự án alumin hiện nay còn yếu...

- Đúng. Điều chúng ta thúc đẩy là TKV cần công khai minh bạch hơn. Ngay tổng mức đầu tư hiện nay cũng chưa rõ. Rồi giá thành đã tính hết, tính đủ mọi chi phí chưa? Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) công bố giá thành chưa thật cụ thể, giá đó có phải là ở cổng nhà máy hay đã bao gồm phí vận chuyển, bởi các đối tác nước ngoài mua thì họ thường mua ở cảng. Trong khi đó, vận chuyển alumin từ nhà máy ra cảng có thể mất khoảng 20 USD/tấn nữa.


*

TIẾP TỤC THỬ NGHIỆM SẢN XUẤT THÉP TỪ BÙN ĐỎ

V.V.Thành

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề tài nghiên cứu công nghệ sản xuất thép và vật liệu xây dựng từ nguồn thải bùn đỏ trong quá trình sản xuất alumin tại Tây nguyên ở quy mô pilot (tạm hiểu là quy mô thử nghiệm), phấn đấu cuối năm 2013 có kết quả nghiên cứu, thử nghiệm và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, các bộ ngành liên quan triển khai thực hiện.

Phó thủ tướng giao Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam phê duyệt điều chỉnh tiến độ đề tài nêu trên để thực hiện trong thời gian 12-18 tháng. Trong thời gian thực hiện đề tài, Viện Hóa học tăng cường tổ chức tham quan, nghiên cứu, trao đổi với các nước đã và đang xử lý bùn đỏ để hoàn thiện đề tài với chất lượng cao nhất. Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng chỉ đạo Viện Vật liệu xây dựng phối hợp với TKV, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam nghiên cứu việc sử dụng xỉ trong quá trình sản xuất sắt xốp từ bùn đỏ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6-2013.


TKV ĐỀ XUẤT ĐỀN BÙ 250 TRIỆU ĐỒNG/HA

Gia Bảo

Ngày 5-3, khi biết ông Nguyễn Mạnh Quân - vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) - nói với báo chí về việc “TKV đã đề nghị Chính phủ việc đền bù cho khai thác bôxit chỉ tính đền bù hoa màu, đền bù sản lượng trong thời gian trưng dụng đất và có hỗ trợ một phần cho người dân ở mức 250 triệu đồng/ha là hợp lý”, nhiều người dân ở thôn 7 (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) thốt lên rằng: “Đền bù như vậy là giết dân!”.

Ông Phạm Văn Mỹ (tổ 17, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm) có gần sáu sào đất tại khu vực mỏ tuyển đã được áp giá đền bù hơn 560 triệu đồng. Đến nay gia đình ông vẫn chưa nhận được tiền đền bù dù chè và cà phê trên đất đã bị bỏ, không chăm sóc mấy năm nay.

Ông Mỹ lo lắng: “Với giá đền bù như hiện tại, gia đình tôi còn chưa mua lại được mảnh vườn ở vị trí tương đương mà phải đi vào vùng sâu mới mua được. Nếu chỉ hỗ trợ đền bù 250 triệu đồng/ha thì làm sao mua nổi đất mới. Với số tiền đó, chúng tôi chỉ có thể mua lại được 1/4 diện tích đất mình hiện có. Nếu nói chỉ trưng dụng rồi trả lại cho dân sau khi đã khai thác thì cũng không thỏa đáng. Vì dân nơi đây trồng cây công nghiệp dài ngày, đâu phải chỉ ngày một ngày hai là có thể làm lại được. Phải mất ít nhất 5-7 năm mới có thể trồng cây lại, cộng với thời gian trưng dụng nữa thì suốt thời gian đó người dân sẽ làm gì để sống. Đó là chưa kể lớp đất thịt đã bị bóc đi, chất đất không còn tốt để người dân tái tạo lại vườn”.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Dung (tổ 18, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm) bị kê khai và áp giá đền bù hơn 1,2ha đất với giá 1,08 tỉ đồng. Dù chưa nhận được tiền đền bù nhưng một phần đất nhà bà đã bị san ủi để làm hồ rửa quặng bôxit. Bà cho biết: “Giá đền bù như hiện tại là đã không tương xứng vì cà phê đang lên giá, giá đất vườn cà phê ngoài thị trường hiện rất cao. Nếu giá còn giảm xuống nữa thì coi như lấy không của dân”.

Tại khu vục này hiện có khoảng 20 hộ dân chưa nhận tiền đền bù, trong đó có đất của nhiều hộ đã bị san ủi đất từ cuối năm 2012 và được Ban quản lý dự án tổ hợp bôxit - nhôm Lâm Đồng hứa sẽ sớm chi trả đền bù nhưng đến nay vẫn chưa có.

Theo Ban quản lý dự án tổ hợp bôxit - nhôm Lâm Đồng, nếu tính trong suốt thời gian 30 năm thực hiện dự án, diện tích đất phải thu hồi để sử dụng lâu dài là 1.233ha, sử dụng tạm thời là 1.620ha (mỗi năm khai thác 50-60ha mỏ để phục vụ nhà máy alumin). Riêng đối với khu vực mỏ tuyển, hiện diện tích đất thu hồi gần 400ha (người dân đã nhận tiền đền bù với mức giá từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng/ha).

(Nguồn: Tuổi Trẻ)


CÓ CHÚT HI VỌNG MONG MANH NÀO CHO ALUMIN TÂN RAI?

Lê Trung Thành

Vào đầu thế kỷ XXI, nhiều loại sản phẩm công nghiệp lên cơn sốt do kinh tế thế giới đang tăng trưởng mạnh mà nhôm là một mặt hàng chiến lược dùng trong công nghiệp sản xuất ô tô, máy bay, đồ hộp, xây dựng… được đẩy giá lên từng ngày ở khắp các châu lục. Trên đất Trung Hoa, nhu cầu nhôm trở nên cấp thiết và mức độ tiêu thụ tăng trưởng từ 3% (năm 1980) đã vọt lên 34% vào năm 2008. Các tập đoàn công nghiệp khai thác bauxite và chế biến nhôm như Rio Tito, BHP Billton, Alcoa, Un Rusal, Chalco… phát triển nhanh chóng nhờ lợi nhuận thu về hàng tỷ đô la Mỹ mỗi năm, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tăng vùn vụt.

Thế nhưng, khi nền kinh tế toàn cầu suy thoái, nhu cầu tiêu thụ nhôm giảm mạnh từ giữa cuối năm 2008 đến nay đã gây hậu quả nghiêm trọng cho ngành kinh tế quá nóng này. Giá nhôm giảm 15-20%, hàng tồn ứ trong kho hàng triệu tấn khiến cho các tập đoàn phải đua nhau cắt giảm sản lượng nhằm giảm lỗ và cố gắng duy trì mức giá bán cao nhưng giá than, giá điện, giá nhân công, giá sản phẩm phụ … cũng tăng nên nhiều công ty nhỏ phải ngưng hoạt động.

Nhà tỷ phú Oleg Derpaska – ông chủ Tập đoàn United Co Rusal của nước Nga – buộc phải cắt giảm sản lượng vì riêng quí IV năm 2011 lỗ 974 triệu USD trong khi quí IV năm 2010 còn thu lãi 1,45 tỷ USD! Sáu tháng đầu năm 2012, lợi nhuận ròng sụt giảm tới 95,25%, doanh thu giảm 9,66% khi giá một tấn nhôm chỉ còn 1.810 USD.

Cũng từ năm 2010, tập đoàn Alcoa Hoa Kỳ đã giảm 9% doanh thu do giá nhôm giảm 18%, cổ phiếu của Alcoa giảm 5% giá trị nên họ phải đưa ra kế hoạch tăng cường sản xuất thượng nguồn – khai thác bauxite và giảm hẳn sản xuất hạ nguồn – luyện nhôm, để giảm lỗ.

Còn tại Trung Quốc, nếu từ năm 2002-2007, tổng doanh thu của tập đoàn Chalco (Alumin Corporation of China) tăng 35% mỗi năm, lợi nhuận cổ phiếu tăng 42%, thì từ tháng 6.2012, Chalco và bốn nhà sản xuất nhôm khác cắt giảm 10% sản lượng tức 1,7 triệu tấn nhôm, vậy mà cổ phiếu vẫn giảm 7,9% giá trị. Nhằm giảm lỗ và duy trì sản xuất kinh doanh, Chalco chuyển hướng sang khai thác than đá, than cốc, quặng sắt… để giảm bớt phụ thuộc vào công nghiệp luyện nhôm. Năm 2011, Chalco cho Công ty than Erdenes Tavan Tolgo của Mông Cổ vay 250 triệu USD và đổi lại bằng than cốc, nhưng do giá bán than quá thấp nên Tavan Tolgo đang muốn hủy bỏ hợp đồng. Mặt khác, cũng từ tháng 5.2012, Chính phủ Indonesia ra lệnh giảm lượng xuất khẩu bauxite sang Trung Quốc và tăng thuế xuất khẩu lên 20% nên các nhà sản xuất nhôm Trung Quốc càng gặp khó khăn, vì vậy Chalco đang có kế hoạch xây dựng nhà máy ngay tại Indonesia… Mặc dù giá nhôm giảm sâu nhưng theo công bố của Hiệp hội nhôm quốc tế (International Aluminium Institute – IAI), cả năm 2012, toàn thế giới tiêu thụ 47,4 triệu tấn nhôm, tăng 5,5% so với năm 2011 và dự báo năm 2013 mức tiêu thụ sẽ tăng 5,5%. Cụ thể ở Trung Quốc tăng 9,5%, Ấn Độ tăng 5,5%, Bắc Mỹ tăng 5,4%, nhưng ở châu Âu sẽ giảm 3%.

Sản lượng nhôm sản xuất ở châu Á lớn nhất, chiếm 43%, châu Âu 24%, châu Mỹ 22%, châu Đại Dương 6% và châu Phi 5%. Riêng ở Vùng Vịnh, các nhà máy sẽ đạt 5 triệu tấn/năm sau khi Nhà máy luyện nhôm Maaden của ẢRập Xêut hoạt động vào năm 2013. Hiện tại mới đạt 3,8 triệu tấn/năm.

Cho dù các tập đoàn nhôm tìm mọi biện pháp cắt giảm sản lượng và kìm giá bán nhưng thị trường tiêu thụ nhôm vẫn ảm đạm, sức mua thấp. Ngân hàng Thế giới đã công bố số liệu giá bán nhôm từ tháng 9.2012: 2.064,12 USD/tấn, tháng 10.2012: 1.974,30 USD/tấn, tháng 11.2012: 1.948,83 USD/tấn, tháng 12.2012: 2.086,76 USD/tấn và sang tháng 1.2013: 2.037,61 USD/tấn (giảm 2,35% so với tháng 12.2012 và 4,96% so với năm 2011).




Biểu đồ giá nhôm trong một tuần , một tháng, sáu tháng, một năm, năm năm và 24 năm

Vào giữa tháng 2.2013, số liệu của London metal exchange cho thấy giá bán nhôm (tiền mặt) ngày 14.2 là 2.114 USD/tấn, giá mua 3 tháng là 2.159 USD/tấn và giá bán 2.160 USD/tấn tức là giá bán dao động từ 0,94-0,96 USD/1 pound.

***

Những ngày cuối năm 2012, Tổ hợp bauxite Tân Rai – Lâm Đồng của Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã bắt đầu cho ra lò những mẻ alumin (nhôm oxit) đầu tiên sau nhiều lần lỡ hẹn. Trong mười “sự kiện” nổi bật nhất, Vinacomin chọn Alumin Tân Rai làm sự kiện thứ mười kèm theo tin vui vay được của Citibank 300 triệu USD nhờ sự giúp đỡ của Marubeni và có sự bảo lãnh của Bộ Tài chính để bù đắp vào sự thiếu hụt vốn xây dựng Tổ hợp Tân Rai.Trong khi những mẻ alumin (nhôm oxit) tạm thời giữ trong nhà kho chờ ngày xuôi về cảng Gò Dầu thì những đoàn xe vận tải loại 40 tấn đã ngược quốc lộ 51 vào quốc lộ 20 đang hư hỏng nặng chở than và xút cung cấp cho Tân Rai.

Tuy đã chậm tiến độ 2 năm so với hợp đồng đã ký giữa Vinacomin và Chalieco nhưng Tổ hợp Tân Rai đã hoàn thành những hạng mục cuối cùng. Những ngày này, họ vừa sản xuất, vừa theo dõi để hoàn thiện dây chuyền công nghệ vốn rất phức tạp và chưa đồng bộ.

Điều đáng nói là, chất lượng alumin của Tân Rai đạt đến chuẩn nào thì chưa thấy công bố chính thức và cũng cần có thời gian để đội ngũ cán bộ kỹ thuật người Việt tiếp thu được công nghệ mới dần thay thế các chuyên gia của Chalco.

Ngoài việc đối mặt trực tiếp với những hậu quả khôn lường của công tác vận chuyển nguyên liệu từ cảng Gò Dầu (Đồng Nai) lên Tân Rai (Bảo Lộc) và chở alumin về xuôi với khối lượng hai chiều lên tới 1,2 triệu tấn/năm, Tổ hợp Tân Rai phải chi phí tiền vận chuyển quá lớn và chiếm tới 18-20% giá thành sản phẩm.

Để vận chuyển than cám, than cục… cho Tân Rai, Vinacomin phải đưa tàu biển từ Hòn Gai, Cẩm Phả vào cảng Gò Dầu. Tính riêng tiền mua 400.000 tấn than cám, 200.000 tấn than cục và cước vận chuyển đường biển, đường bộ, bốc xếp… đã lên tới 1.800 tỷ đồng. Nếu tính thêm tiền mua và vận chuyển xút, đá vôi, tổng chi phí cho “đầu vào” của Tân Rai trên dưới 2.000 tỷ đồng. Tại khu vực Tân Rai, các nhà máy điện, nhà máy tuyển quặng bauxite, nhà máy chế biến alumina* (nhôm oxit), các chi phí sản xuất và trả lương cho công nhân, kỹ sư… cũng cả ngàn tỷ đồng nữa! Như vậy, với sản lượng 600.000 tấn/năm khi tổ hợp hoạt động hết công suất, giá thành xuất xưởng 1 tấn alumina (nhôm oxit) vào khoảng 280-300 USD! Nếu cộng lãi suất vay đầu tư xây dựng nhà máy, tiền thuế xuất khẩu 20%, thuế bảo vệ môi trường… và tiền vận chuyển alumina đến cảng, tiền công bốc xếp, lưu kho bãi… thì giá thành cộng thêm 40-50 USD/tấn nữa.

Quay trở lại giá nhôm thế giới ở thời điểm tháng 2.2013, nếu Vinacomin xuất khẩu sang Trung Quốc thì giá bán tại cảng chỉ ở mức xấp xỉ giá xuất xưởng ở Tân Rai là “kịch trần”. Và, mỗi tấn alumina (nhôm oxit) sẽ phải chịu lỗ từ 80-90 USD! Nếu Vinacomin giỏi than khóc, kêu cứu thì Chính phủ, Bộ Tài chính rủ lòng thương sẽ ra đặc ân cho giảm thuế xuất khẩu (thậm chí bằng 0), nhà nước trung ương và chính quyền sở tại chẳng được xu nào, 1 tấn alumina (nhôm oxit) vẫn chịu lỗ 30-40USD! Đó là chưa kể tới những thiệt hại vô hình, hữu hình khi đất đai Tây Nguyên, nguồn nước mặt, nước ngầm cạn kiệt, bóng ma bùn đỏ ám ảnh ngày đêm và môi trường sống bị hủy hoại lâu dài, chưa biết khi nào Vinacomin mới “hoàn thổ” được?

Hồi tháng 10.2012, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Sơn – Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng của Vinacomin tham gia đoàn chuyên gia khai khoáng đi Tân Rai theo lời mời của CODE thuộc Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, đã có “đáp số” về giá thành xuất xưởng 1 tấn alumin (nhôm oxit) lên tới 375 USD! Nếu xuất khẩu, 1 tấn sẽ lỗ khoảng 124 USD và Vinacomin lỗ 74,4 triệu USD/năm! Nếu không nộp thuế xuất khẩu 20%, không nộp ngân sách, số lỗ ít nhất là 33 triệu USD/năm (1)!

Những lời dự báo của rất nhiều nhà khoa học, xã hội học và dư luận xã hội nêu từ 2009, 2010 đến nay… “gần” thành sự thật vì công trình vừa chậm tiến độ, vừa tăng tổng mức đầu tư. Khi có sản phẩm thì tiếp tục gánh lỗ triền miên, sẽ đẩy Tổ hợp Tân Rai vào thế tiến thoái lưỡng nan và một vài năm nữa, khi Tổ hợp Nhân Cơ – Đaknông hoàn thành, Vinacomin còn sa lầy gấp bội phần.

Cũng theo lời Tiến sỹ Nguyễn Thanh Sơn – một người trong cuộc, từng tham gia nghiên cứu dự án bauxite Tây Nguyên thời kỳ 1982-1986 tại Hội đồng tương trợ kinh tế khối XHCN (COMECON) – khuyên Vinacomin: “Dũng cảm xin Chính phủ cho dừng dự án Nhân Cơ, chờ thử nghiệm Tân Rai “trót lọt” , nếu có hiệu quả sẽ triển khai tiếp Nhân Cơ, và “Hãy tập trung nguồn lực (vốn, thời gian, cán bộ) để phát triển ngành than ở Quảng Ninh. Trong tình cảnh của Vinacomin bây giờ, tiết kiệm được một đồng, giảm tổn thất được một đồng cũng quý! Dừng Nhân Cơ cũng tiết kiệm được vài trăm triệu đô la Mỹ” (2).

Chắc chắn Vinacomin sẽ không nghe lời khuyên máu thịt này và nếu họ “có ý nghe” thì cấp trên của họ cũng không chấp nhận mà họ sẽ tiếp tục “đâm lao phải theo lao”.

Số tiền vay được của Citibank 300 triệu USD chẳng mấy chốc tan thành tro bụi vì thua lỗ lớn…

Sau Vinashin, Vinalines… sẽ có thêm Vinacomin chăng???

Lúc ấy, họ sẽ lại đổ thừa cho kinh tế suy thoái, đổ thừa cho “lãnh đạo” giao nhiệm vụ nên họ buộc phải tuân theo.

Vậy chúng ta có chút hy vọng nào không khi vài ba tháng tới Vinacomin sẽ xuất khẩu những tấn alumina (nhôm oxit) đầu tiên ra thị trường thế giới???

L.T.T.

Chú thích (1) và (2):

Trích từ bài “Bôxit Tân Rai trước ngày chạy thử” – Tiến sỹ Nguyễn Thanh Sơn trả lời phỏng vấn của Báo “Sài Gòn tiếp thị” ngày 10.10.2012.

* Alumin hay alumina: nhôm oxit, công thức hóa học: Al2O3. Để điều chế nhôm (Al) phải điện phân nóng chảy nhôm oxit.

Nguồn: Bauxite Việt Nam http://www.boxitvn.net/bai/44977
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

BAUXITE TÂN RAI, ĐÔI ĐIỀU CHẤT VẤN VÀ KIẾN NGHỊ

Vũ Ngọc Tiến

Ngày 18/2/2013, trao đổi với báo Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT), ông Trần Văn Chiều, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2013 thì nhà máy bô xít Tân Rai sẽ vận hành ổn định. Trước đó, vào cuối tháng 12/2012 thì nhà máy đã cho ra lò mẻ alumin đầu tiên sau khi hoàn tất công đoạn ủ mầm hydrat, một công đoạn quan trọng cho việc sản xuất alumin. Dự kiến cả năm 2013 sẽ sản xuất được 300.000 tấn alumin, trong đó chủ yếu dành cho xuất khẩu mà nhiều nhất là xuất sang Trung Quốc, Malaysia và một số nước khác.” Tuy nhiên, ông Chiều chỉ nói lấp lửng rằng, với giá xuất khẩu 340 đô la Mỹ/tấn theo kết quả đàm phán mới đây thì TKV vẫn chưa có lời, nếu điều kiện thuận lợi thì sang năm 2014 việc xuất khẩu alumin mới bắt đầu có lãi (?) Điều đó có nghĩa là giá thành alumin của các vị đến cảng Gò Dầu (Đồng Nai) để xuất theo giá FOB cho khách ông Chiều giấu nhẹm, hay thực lỗ bao nhiêu trong năm 2013 này có lẽ cũng còn trong cái gọi là “bí mật quốc gia”!...

Chất vấn 1- Giá bán alumin:

Là người thường xuyên theo dõi, cập nhật tin tức về Bauxite Tây Nguyên, tôi đã có nhiều bài học kinh nghiệm trước cách đưa tin lấp lửng, tiền hậu bất nhất của các vị đại diện cho Bộ Công Thương và Tập đoàn TKV. Vì vậy tôi không tin vào giá bán 340 đô la Mỹ/tấn mà TKV đã công bố. Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố số liệu giá bán nhôm tháng 1/2013 tại thị trường chung của thế giới là 2.037,61 USD/tấn (giảm 2,35% so với tháng 12/2012 và có thể còn giảm nữa trong năm tài khóa 2013). Còn số liệu của thị trường Tây Âu -London Metal Exchange (LME) cho thấy giá bán nhôm (tiền mặt trả ngay) ngày 14/2 là 2.114 USD/tấn, giá trả sau kỳ hạn 3 tháng là 2.159 USD/tấn. Như vậy theo thông lệ, giá alumin kỳ hạn và giá alumin giao hàng ngay trả tiền mặt thường được so sánh với giá nhôm LME 3 tháng trên thị trường giao dịch kim loại Luân Đôn (LME 3-month price), dao động từ khoảng 9% – 19% và có giá trị trung bình bằng khoảng 13% giá nhôm LME trung bình 3 tháng. Vậy theo đó mà tính, giá bán alumin FOB tại cảng Gò Dầu năm 2013 không thể vượt quá 264,89 USD/tấn (tính theo WB 1/2013) hoặc là 280,67 USD/tấn (tính theo LME 14/2/2013). Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên chính thức của WTO, không thể không tuân theo quy luật giá cả chung trên thị trường thế giới. Cái gọi là giá bán trên trời 340 USD/tấn alumin (giá FOB tại cảng Gò Dầu) do ông Trần Văn Chiều nói khống lên hay lại là một chiêu lừa đảo mới của khách hàng Trung Quốc? Người đặt chất vấn chợt lục lại trong ghi chép cá nhân về tài phù phép giá thành và giá bán của các vị trong Bộ Công Thương và TKV trong hai lần công bố năm 2009 và 2010: Năm 2009, tại cuộc Hội thảo do Bộ Công Thương và Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức, ông Trưởng ban Bauxite của TKV Nguyễn Thanh Liêm công bố giá thành alumin tính đầy đủ và chính xác của dự án Tân Rai là 223 USD/tấn, và của dự án Nhân Cơ là 241 USD/tấn; còn giá bán qua điều tra (ông Liêm cho biết TKV phải mua thông tin nước ngoài tốn hàng trăm triệu!) alumin của dự án Tân Rai là 362 USD/tấn và alumin của dự án Nhân Cơ là 310 USD/tấn. Thế nhưng chỉ 1 năm sau vẫn công nghệ ấy, tình hình thị trường không có gì biến động mạnh, tại cuộc tọa đàm trực tuyến ngày 28/10 trên VnExpress, ông Liêm đại diện cho phía chủ đầu tư (TKV) cùng vị đại diện của cơ quan thẩm định (Bộ Công Thương) đưa ra những con số khác với lần hội thảo trước một trời một vực: giá thành alumin lúc đó được công bố của dự án Tân Rai là 265 USD/tấn và của dự án Nhân Cơ là 287 USD/tấn; còn giá bán alumin của dự án Tân Rai là 315 USD/tấn và của dự án Nhân Cơ là 330 USD/tấn. Các số liệu này chắc cũng đã được Bộ Công Thương một lần nữa thẩm tra cẩn thận và chẳng ai thấy ngượng vì sự tiền hậu bất nhất đối với hiệu quả kinh tế của một dự án trọng điểm quốc gia. Phải chăng lần này cũng vậy, khi công luận đưa ra con số giá thành của alumin Tân Rai do TS Nguyễn Thanh Sơn tính toán 12/2012 là không dưới 375 USD/tấn nên ông Chiều mới vội vàng công bố trên báo SGTT cái giá bán cực kỳ vô lý của alumin Tân Rai sắp xuất khẩu năm 2013 là 340 USD/tấn để trấn an dư luận, còn giá thành thì ông giấu nhẹm bởi nó chắc chắn lớn hơn nhiều so với hai lần công bố vừa nêu?...

Chất vấn 2- Vận chuyển alumin ra cảng Gò Dầu:

Theo công bố gần đây nhất của chính phủ, Dự án xây dựng cảng Kê Gà đã bị bãi bỏ. Như vậy để xuất khẩu 300.000 tấn alumin trong năm 2013 chỉ có thể vận chuyển bằng ô tô và theo kết luận của ông Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải (2012) có hai cung đường ra cảng Gò Dầu (Đồng Nai) hoặc cảng Cam Ranh (Khánh Hòa). Người viết nhận thấy cung đường ra cảng Cam Ranh (đi từ TL725 - QL 20 - QL27 - QL1 ) xem ra khó khả thi vì đoạn QL27 địa hình rất phức tạp; còn các đoạn QL20, QL1 ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch của hai tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa. Cung đường ra cảng Gò Dầu (đi từ TL725- QL20- TL769- QL51) khả thi hơn, nhưng người viết lục lại trong sổ ghi chép chợt thấy có nhiều điểm cần chất vấn cho rõ. Tuyến đường cao tốc Dầu Giây- Đà Lạt dài 227,9 Km (QL20) phục vụ khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh Lâm Đồng được Chính phủ ôm ấp và chỉ đạo từ lâu, nhưng đến nay vẫn chỉ là trên giấy với 3 lần thay đổi dự toán: Năm 2003, báo Tuổi Trẻ đưa tin ngày 27/8 ông Hoàng Trung Hải làm việc với tỉnh Lâm Đồng dự toán đầu tư 3000- 3500 tỷ đồng. Năm 2010, báo Vietnamnet ngày 22/6 đưa tin, cũng ông Hoàng Trung Hải làm việc với tỉnh Lâm Đồng, đưa con số dự toán lên 1 tỷ USD. Năm 2012, nguồn tin TTXVN ngày 23/12 cho biết Bộ GTVT bóp nhỏ dự toán chỉ còn 7648 tỷ đồng… Chỉ nhìn vào ba lần thay đổi dự toán đến chóng mặt vừa nêu cũng đủ thấy Chính phủ lúng túng trong Dự án đầu tư QL20 biết chừng nào. Nay trong lòng Dự án QL20 phục vụ du lịch lại bao chứa một tiểu Dự án 123 Km QL20 từ Dầu Giây đến ngã ba Lộc Sơn (thành phố Bảo Lộc) phục vụ vận chuyển alumin xuất khẩu trong năm 2013 với chi phí 4.467 tỷ đồng. Sự nhập nhằng trong đầu tư như trên chắc chắn sẽ phá vỡ quy hoạch tổng thể của hơn một nửa tuyến đường cao tốc Dầu Giây- Đà Lạt phục vụ du lịch dài 227,9 Km ai chịu trách nhiệm? Một dự án 10 năm còn nằm trên giấy, nay chỉ trong năm 2013 vừa thi công vừa vận chuyển alumin trên nửa chiều dài Dự án với lưu lượng và trọng tải lớn, liệu có an toàn và đảm bảo chất lượng hay vừa xây vừa phá? Lại nói về các đoạn tuyến còn lại gồm TL725 (thuộc Lâm Đồng) và TL769, QL51 (thuộc Đồng Nai) đều có mặt đường nhỏ, chất lượng xấu, hàng chục cây cầu không chịu được tải trọng của loại xe 30- 40 tấn thì thử hỏi trong năm 2013 khắc phục bằng cách nào để đảm bảo vận chuyển xuất khẩu 300.000 tấn alumin thành phẩm chiều đi và cỡ ngần ấy tấn nguyên liệu (than cám, vôi, xút, dầu) chiều về?...

Kiến nghị:

Từ những nghi ngờ và chất vấn trên, người viết thấy rằng, không chỉ dừng ngay nhà máy Nhân Cơ (Đắc Nông) mà ngay cả nhà máy Tân Rai (Lâm Đồng) cũng nên dừng lại. Có người sẽ hỏi lại: “Đã lỡ đầu tư nay kiến nghị dừng cả 2 nhà máy thì lãng phí tiền dân hay sao?” Thưa rằng, không dừng còn thiệt hại khủng khiếp gấp nhiều lần hơn thế. Mặt khác, người viết trong nhiều bài viết trước đây từng gợi ý có thể qua vài năm, thậm chí 10 năm sau, nếu điều kiện cho phép ta vẫn có thể chuyển toàn bộ dây chuyền thiết bị từ Tây Nguyên ra Bắc xây dựng nhà máy ở Tam Lung – Lạng Sơn vì những lẽ sau:

- Công nghệ và thiết bị đã nhập từ Trung Quốc chỉ thích hợp cho loại quặng có nguồn gốc trầm tích ở Lạng Sơn, Cao Bằng, không thích hợp với loại quặng có nguồn gốc phong hóa ở Tây Nguyên.

- Quặng ở Lạng Sơn, Cao Bằng có hàm lượng cao (50- 60%) nên không phải qua giai đoạn sơ tuyển như quặng ở Tây Nguyên đang phải nâng hàm lượng từ 39- 40% lên 49- 50% mới đưa vào dây chuyền tinh tuyển.

- Trữ lượng quặng ở phía Bắc đạt 91 triệu tấn nên đủ cho một đời hoạt động của 2 nhà máy đã mua và lắp đặt ở Tân Rai và Nhân Cơ ít nhất là 50 năm.

- Trên thực tế, từ những năm 70 của thế kỷ trước, Nhà nước đã có chủ trương khai thác và tinh tuyển quặng Bauxite ở Tam Lung- Lạng Sơn. Hồi đó, đoàn địa chất 49 với sự giúp đỡ của chuyên gia Hung Ga Ri đã thăm dò tỉ mỉ phục vụ khai thác, tính toán đến cả góc dốc của công trường khai quặng và phác thảo quy trình công nghệ theo hình mẫu Hung Ga Ri. Ngày nay ta thừa sức đưa vào công nghệ còn tốt hơn nước bạn hồi đó.

- Vấn đề vận chuyển cho nhà máy đặt ở Tam Lung- Lạng Sơn không cần đặt ra vì ngay tại đó đã sẵn có ga xe lửa Tam Lung, chỉ cần nâng cấp là có thể theo đường sắt xuất qua Trung Quốc hoặc đưa về cảng Hải Phòng xuất cho các nước khác. Làm như vậy, ta hoàn toàn chủ động, không bị khách hàng Trung Quốc ép giá.

- Vấn đề môi trường vẫn cần đặt ra, nhưng nhẹ hơn nhiều vì mạng lưới sông suối vùng Tam Lung đổ ra sông Kỳ Cùng sẽ không chảy về thành phố Lạng Sơn mà chảy ngược lên phía Bắc nên có rất ít ruộng canh tác, cư dân thưa thớt…

Hà Nội ngày 22/2/2013

Vũ Ngọc Tiến
Nguồn: http://www.viet-studies.info/VNTien/VNTien_BauxitTanRai.htm

Trở về trang chính
HOÀNG KIM
HỌC MỖI NGÀY
FOOD CROPS NEWS
DẠY VÀ HỌC
CÂY LƯƠNG THỰC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét